Sự đổ máu Đảo chính quán bia

Lúc 11 giờ sáng ngày 9 tháng 11 năm 1923, ngày kỷ niệm sự khai sinh của nền Cộng hòa Weimar, Hitler và Ludendorff dẫn đầu 3.000 quân SA hướng về trung tâm München. Bên cạnh họ còn có Hermann Göring (chỉ huy lực lượng SA), Scheubner-Richter, Alfred Rosenberg, Ulrich Graf (cận vệ của Hitler), và một số cấp lãnh đạo đảng. Tiếp theo sau là một xe tải mang súng máy cùng xạ thủ. Binh sĩ SA đeo súng trường trên vai, một số người gắn thêm lưỡi lê. Hitler lăm lăm khẩu súng lục trong tay. Không phải là lực lượng mạnh lắm, nhưng Ludendorff, vốn đã chỉ huy hàng triệu binh sĩ thiện chiến nhất của Đức trong Thế chiến thứ nhất, nghĩ rằng thế là đủ để đạt mục đích.

Vài trăm mét cách quán bia về hướng bắc, họ gặp phải chướng ngại vật đầu tiên. Một toán cảnh sát án ngữ trên cầu Ludwig dẫn đến trung tâm thành phố. Göring chạy đến nói chuyện với người chỉ huy cảnh sát, đe dọa sẽ bắn các con tin mà ông ta nói đang dẫn theo phía sau nếu cảnh sát bắn vào nhóm của ông. Trong đêm trước, Hess đã bắt giữ một số con tin kể cả hai thành viên nội các nhằm phục vụ cho mục đích như thế này. Không rõ có phải Göring tháu cáy hay không, nhưng dường như vị chỉ huy cảnh sát tin theo lời Göring nên để cho đoàn người đi qua êm thấm.

Xế trưa, đoàn người tiến đến gần mục tiêu là Bộ Chiến tranh, nơi Röhm và nhóm quân SA của ông ta vẫn còn chiếm đóng, bị quân đội bao vây bên ngoài. Cả hai bên chưa bắn phát súng nào. Phía Röhm là những cựu chiến binh và họ có nhiều chiến hữu phía bên kia. Không ai có lòng dạ nào mà bắn giết lẫn nhau.

Để tiến đến Bộ Chiến tranh và giải thoát Röhm, Hitler và Ludendorff dẫn đoàn người đi qua một con đường hẹp. Ở cuối con đường, một nhóm khoảng 100 cảnh sát đang án ngữ. Họ chiếm vị trí thuận lợi và nhóm này không muốn nhường đường.

Nhưng đoàn người lại cố gắng tìm cách đi qua. Ulrich Graf tiến lên phía trước và hô lớn đến vị chỉ huy cảnh sát: "Đừng bắn! Ngài Ludendorff đang đi đến!" Hitler phụ họa: "Đầu hàng đi! Đầu hàng đi!" Nhưng vị chỉ huy cảnh sát không muốn đầu hàng. Rõ ràng là cái tên Ludendorff không có ma lực gì đối với ông; đây là cảnh sát, không phải là quân đội.

Không ai được biết bên nào nổ súng trước. Bên này đổ lỗi cho bên kia. Một người bàng quan khai rằng Hitler đã bắn phát súng lục trước tiên. Người khác cho rằng chính Streicher bắn trước.

Dù sao chăng nữa, một tiếng súng đã nổ. Kế tiếp là hàng loạt súng vang lên từ hai phía, dập tắt mọi hy vọng của Hitler. Scheubner-Richter ngã xuống tắt thở. Göring bị một vết thương nặng. Trong vòng 60 giây, tiếng súng ngưng bặt, nhưng con đường la liệt những người. Mười sáu người bên Quốc xã và ba nhân viên cảnh sát chết hoặc đang hấp hối, nhiều người khác bị thương, những người còn lại – kể cả Hitler – nằm rạp trên mặt đường để tránh đạn.

Có một ngoại lệ. Ludendorff không nằm rạp. Vẫn đứng thẳng và hãnh diện với truyền thống quân đội, cùng với người tùy viên Thiếu tá Streck bên cạnh, ông điềm tĩnh đi giữa những họng súng của cảnh sát. Không có đảng viên Quốc xã nào đi cùng ông. Ngay cả vị lãnh tụ Adolf Hitler cũng không.

Vị Thủ tướng tương lai của Đế quốc thứ Ba là người đầu tiên bỏ chạy để được an toàn. Trước đó, ông ta đã vòng cánh tay trái để ôm lấy cánh tay phải của Scheubner-Richter, và khi người thuộc hạ ngã xuống, anh ta kéo vị lãnh tụ ngã theo khiến ông này bị trật khớp xương vai. Theo vài nhân chứng kể lại, Hitler "là người đầu tiên đứng dậy và quay đi", bỏ lại phía sau các đồng chí đang nằm la liệt trên mặt đường. Ông được đưa nhanh lên một chiếc xe rồi chạy đến một ngôi nhà vùng nông thôn. Hai ngày sau, ông ta bị bắt.

Ludendorff bị bắt ngay tại chỗ. Ông khinh thường nhóm phản loạn đã không đủ can đảm tiến bước theo ông, và cảm thấy cay đắng với quân đội đã không hậu thuẫn ông, đến nỗi ông tuyên bố từ nay về sau sẽ không nhìn đến sĩ quan nào và cũng không bao giờ mặc bộ quân phục sĩ quan nữa. Göring được sơ cứu rồi được đưa đi trốn lánh ở Áo. Hess cũng lẩn trốn ở Áo. Röhm đầu hàng tại Bộ Chiến tranh hai giờ sau. Trong vòng ít ngày, tất cả nhóm lãnh đạo ngoại trừ Göring và Hess đều bị bắt.